Đừng tôn vinh một lần rồi... lãng quên
12/9/2013 11:50:26 PM
Ông Nguyễn Văn Tĩnh – Nghệ nhân làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ: Phú Nghĩa hiện vẫn có hơn 80% số hộ làm nghề mây tre giang đan với hàng ngàn thợ khéo, nhưng trong số đó chỉ 20 người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân của Việt Nam.
“Được ghi nhận và phong danh hiệu Nghệ nhân, về mặt nghề nghiệp, với chúng tôi có nhiều tích cực. Thứ nhất, sản phẩm của chúng tôi làm ra được ghi nhận về giá trị, các khách sạn trong nước đặt hàng với số lượng lớn và thường xuyên, thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài. Thứ hai, được Sở Công Thương và UBND TP.Hà Nội tổ chức tham gia các lớp tập huấn về nâng cao kỹ năng nghề, tham quan, học hỏi với bạn làm nghề và giới thiệu sản phẩm…”.
Nghề mây tre đan Phú Vinh vẫn được coi là một trong những làng nghề có tiềm năng phát triển hiện nay.
Mặc dù vậy, nhưng các nghệ nhân cũng đang có nhiều trăn trở. Một vấn đề đặt ra là việc sản xuất trong nhà, trong làng không còn phù hợp. Vì thế, khi chuyển dịch làm việc tại các cụm công nghiệp, các nghệ nhân không chỉ có bàn tay khéo mà cũng cần được trang bị kiến thức kinh doanh, tổ chức sản xuất.
“Chúng tôi đã bàn tới việc xây dựng được cụm công nghiệp nhỏ cho các nghề thủ công, nhưng nếu làm thì cần có kiến thức và vốn tiền tỷ, dù cố gắng nhưng nghệ nhân như chúng tôi không có đủ điều kiện về kiến thức và tài chính” - Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung – Chủ nhiệm CLB Nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề mây tre đan Phú Vinh chia sẻ.
Ngoài ra, việc đưa các nghệ nhân đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm nghề ở trong và ngoài nước cũng là trở ngại không nhỏ. Nghệ nhân Tĩnh cho hay, các nghệ nhân thuộc diện được đi tham quan, học hỏi với bạn làm nghề các nước để giao lưu văn hóa, giới thiệu sản phẩm hiện chưa nhiều.
Ngay cả những người được chọn thì cũng chỉ có những nghệ nhân có tiềm năng về tài chính mới dám đi bởi kinh phí cho mỗi chuyến đi được Nhà nước hỗ trợ 50%, còn 50% nghệ nhân phải tự túc. “Đối với nghệ nhân làng nghề ở nông thôn dù rất muốn tham gia nhưng để bỏ ra 100 – 200 triệu đồng thì cực kỳ khó khăn”- ông Tĩnh bộc bạch.
“Khai thác” nghệ nhân bằng cách nào?
Ông Vũ Mạnh Hải – Chủ tịch Hội Nghệ nhân, thợ giỏi TP.Hà Nội đánh giá: Phát triển làng nghề truyền thống đang là một trong những hướng đi đúng đắn và phù hợp nhằm tăng trưởng lợi nhuận kinh tế Việt Nam, giải quyết nguồn lao động địa phương, giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc. “Nhưng chúng ta vẫn chưa có sự khuyến khích cao độ trong việc hỗ trợ nghệ nhân làng nghề truyền thống làm nghề và khai thác khả năng sáng tạo, tay nghề của họ cho các lớp thợ trẻ”- ông Hải nhận định.
Theo thông kê của Bộ NNPTNT, cả nước hiện có khoảng 3.000 làng nghề, trong đó có 400 làng nghề truyền thống với 53 nhóm nghề, sản xuất trên 200 sản phẩm thủ công.
|
Thực tế hiện nay số nghệ nhân tham gia đứng lớp, dạy nghề một cách “chính quy” không nhiều, mà chủ yếu có gì dạy nấy. Ông Hải nói: “Nếu họ được đào tạo về kỹ năng sư phạm thì khả năng truyền dạy sẽ hiệu quả hơn. Tôi được biết Bộ LĐTBXH cũng tổ chức tập huấn, nhưng số nghệ nhân đi học còn rất ít, và về cũng không có điều kiện đứng lớp để dạy, vì không được mời”.
Về lâu dài, các nghệ nhân cần được coi là chuyên gia trong 1 nghề. Vì thế Hội Nghệ nhân, thợ giỏi TP.Hà Nội đã kiến nghị nên có chế độ hỗ trợ nghệ nhân về BHXH, BHYT để chăm sóc nghệ nhân trong lúc ốm đau.
Ông Hải bày tỏ: “Các nghệ nhân, những người giữ bí quyết nhiều nghề truyền thống hiện đã già, chúng ta không chỉ tôn vinh họ một lần rồi để đấy mà cần giúp họ yên tâm làm nghề. Nếu có BHXH, họ không quá lo lắng về tài chính để kiếm sống khi về già thì sẽ có thêm thời gian để sáng tạo với nghề, đó chính là cách nuôi dưỡng tài năng và sự cống hiến của nghệ nhân hiện nay”.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung – Chủ nhiệm CLB Nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề mây tre đan Phú Vinh cũng cho rằng: “Xây dựng các chính sách hỗ trợ nghệ nhân là rất cần thiết, đặc biệt ưu tiên cho những làng nghề có tiềm năng”.